Cây XOAN ẤN ĐỘ, cây NEEM một loại cây đa tác dụng nên trồng - Tài Liệu Nông Nghiệp

Chia sẻ thông tin, tài liệu, kỹ thuật, cách làm, cách sử dụng và mọi thứ liên quan đến nông nghiệp và các vấn đề của nông nghiệp

Tin mới:

Home Top Ad

Responsive Ads Here

Post Top Ad

Responsive Ads Here

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Cây XOAN ẤN ĐỘ, cây NEEM một loại cây đa tác dụng nên trồng

Mọi thành phần của xoan Ấn Độ, nhất là lá và đặc biệt hạt của nó đều có hoạt chất sinh học. Ngoài hoạt chất chính là azadiachtin còn có salannin, meliatropin và neembim, neembinin. Mỗi hoạt chất ấy có tác dụng cá biệt đối với sâu bọ. Dịch chiết xuất từ nhân hạt neem chứa khoảng 40 chất. Các chất này tăng cường tác dụng lẫn nhau, tạo thành một hỗn hợp cực mạnh. Dung dịch neem với nồng độ 0,1 ppm (= 0,000 01 %) đã có thể làm nhiều loài sâu bọ ngán ăn. Ngoài ra, neem còn làm rối loạn hệ thống hormone của sâu ăn phải nó. Chất quan trọng nhất có lẽ là azadiachtin với cấu trúc giống như hormone lột da ecdysone của côn trùng. Do đó, khi lọt vào cơ thể của chúng, azadiachtin “cạnh tranh” với ecdysone, làm giảm hoặc ngưng hẳn sự hình thành chất này, khiến ấu trùng không thể lột da để phát triển bình thường được. Nếu không giết chết ấu trùng và nhộng, ít nhất azadiachtin cũng làm chậm quá trình phát triển của chúng, gây biến dạng cũng như làm suy giảm khả năng sinh sản của con trưởng thành. Các chất chiết xuất từ xoan Ấn Độ có tác dụng với trên 400 loại côn trùng, mạt, nhậy và tuyến trùng (giun tròn). Trong bài chưa có thấy nói đến tác dụng của neem trong việc bọc/áo phân đạm để tránh thất thoát phân đạm
- Tác giả: TS Phạm Hải Hồ

Bắt đầu từ một quan sát…

Năm 1959, nhà côn trùng học và bệnh lý thực vật người Đức Heinrich Schmutterer đang làm việc ở Sudan giữa lúc có nạn châu chấu hoành hành. Mọi loài cây cỏ đều bị châu chấu ăn sạch. Mọi loài ư? Không, GS. Schmutterer nhận thấy vẫn còn những cây xanh tốt, đó là xoan Ấn Độ. Khi ấy ông quyết định nghiên cứu về đặc tính chống sâu bọ của loại cây đặc biệt này.

Thật ra, khả năng trừ sâu của nó đã được tường thuật lần đầu ở Ấn Độ vào năm 1928. Và từ hơn hai ngàn năm trước, người Ấn đã biết sử dụng lá, vỏ, trái và cả đến rễ cây để trị bệnh theo y học truyền thống. Dân làng còn dùng lá xoan Ấn Độ để bảo quản vựa thóc[i] và dùng nhánh cây làm bàn chải đánh răng.

Sau hơn 40 năm nghiên cứu, Schmutterer cùng các cộng sự viên của mình, cũng như một số nhà khoa học khác trên thế giới đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu quan trọng. Từ 1980 đến nay, ba hội nghị quốc tế và sáu hội nghị thế giới về xoan Ấn Độ đã được tổ chức.[ii] Tầm quan trọng của nó cũng được Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ nhấn mạnh trong báo cáo khoa học mang tựa đề: “Neem: A Tree for Solving Global Problems” (Xoan Ấn Độ: loại cây giúp giải quyết những vấn đề toàn cầu)[iii].

Tên họ một loài cây

Xoan Ấn Độ có tên khoa học là Azadiachta indica A. Juss và Melia azadiachta Linn. Nó cùng họ Meliacea với xoan (ta) (tên khoa học: Melia acedarach Linn) và khá giống loài cây này nên dễ bị lẫn lộn. Vì thế, nhiều khi cả hai đều được gọi là sầu đâu. Trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, sầu đâu hay sầu đông đồng nghĩa với với xoan và có những đặc điểm của Melia acedarach Linn. Tên khoa học tuy chính xác nhưng lại khá dài và khó nhớ. Vậy để phân biệt với xoan và gọi xoan Ấn Độ một cách ngắn gọn, đề nghị cũng dùng từ quốc tế “neem” (Anh, Pháp) và phát âm là “nim”.

Phân bố và đặc tính thực vật học của neem/xoan Ấn Độ

Cây neem có nguồn gốc từ Ấn Độ hoặc Myanma, nay được trồng phổ biến khắp các vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới, những nơi có thời tiết từ khô hạn tới ẩm ướt. Cũng trở thành  cây “quốc tế” như bạch đàn nhưng khác với loài cây này, neem không làm hại đất và nguồn nước. Ngược lại, nó còn có thể giúp cải tạo đất như sẽ nói rõ hơn ở phần sau.
Theo cuốn “Cây cỏ Việt Nam” của GS. Phạm Hoàng Hộ, neem mọc tự nhiên ở Hà Tiên (Kiên Giang), Châu Đốc (An Giang) và Cà Ná (Ninh Thuận).[iv] Nhà dân tộc học Françoise Aubaile-Sallenave cho biết cây neem mà bà gọi là xoan đào được trồng trong vài đồn điền ở miền Bắc và làm cây viền đường khắp Đông Dương.[v] Mấy năm gần đây nó được trồng với qui mô khá lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Thông thường, cây neem sống lâu năm có thể đạt độ cao từ 15 đến 20 mét hoặc cao hơn nữa, nếu gặp điều kiện thuận tiện. Khi ấy, thân cây có đường kính từ một mét rưỡi tới ba mét rưỡi. Thật là một đại thụ với vòm cây và bộ rễ khổng lồ tương xứng.
Gỗ màu hồng nhạt nên còn được gọi là xoan đào. Lá neem hình lông chim, có khía răng cưa ở rìa lá. Hoa nhỏ, năm cánh trắng, thoang thoảng mùi mật ong, mọc thành chùm từ nách những nhánh lá. Hình dạng trái neem giống trái xoan, màu xanh lúc còn non và trở nên vàng khi đã chín. Thịt trái có nhiều xơ, vị ngọt đắng, ăn được (chim và dơi rất thích ăn trái chín). Hạt cứng thường chứa một nhân nhưng cũng có khi hai, ba nhân.

Mặc dù neem rất giống xoan, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy chúng có nhiều điểm khác biệt. Trong khi lá neem một lần kép thì lá xoan ta hai lần kép. Hoa neem trăng trắng, còn hoa xoan tim tím. Neem là cây thường xanh, xoan lại rụng lá vào mùa đông nên còn được gọi là sầu đông. Theo một số mô tả và hình ảnh, cây sầu đâu miền Tây có lẽ là một loại neem lai vì có hoa trắng, lá một lần kép nhưng không có khía răng cưa và rụng vào mùa đông. Người địa phương dùng lá và hoa trộn gỏi, vị tuy “đắng nghét” nhưng hậu ngọt.

Một số hình ảnh của cây neem/xoan Ấn Độ

Nguồn ảnh Wikiapedia. Click vào ảnh để xem ảnh lớn.

Phấn hoa (trái) và hoa của cây neem
Người dân ở Ấn Độ trồng xem chuối với cây neem
Ở Tamilnadu India người dân nhai cành cây neem để diệt vi khuẩn trong miệng và bảo vệ sức khoẻ

Đặc tính sinh thái của neem/xoan Ấn Độ

Cây neem phát triển mạnh ở những vùng có lượng mưa trung bình hàng năm từ 400 đến 1.200 mm. Cây cũng sống được ở nơi ít mưa nếu có đủ nước ngầm (như Madagasca) và cả ở những nơi có lượng mưa tới 2.500 mm/năm như vùng châu Á gió mùa. Cũng như xoan, neem không thích chỗ úng nước, ngược lại có thể mọc trên cả những quả đồi cao hơn mặt biển đến 800 m.

Cây sống được trên nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt trên đất cát với tỉ lệ cát không quá cao. Độ pH thích hợp nhất nằm trong khoảng từ 6,2 tới 7,0, nghĩa là hơi chua. Ngược lại, lá neem có tính base (pH 8,2). Cây cũng chịu được nước có độ mặn vừa phải. Ở Saudi Arabia, mỗi tuần người ta dùng nước chứa tới 2,8 mg chất rắn trong một lít để tưới cây con mà cây vẫn đơm bông kết trái.

Là cây nhiệt đới, neem mọc ở những vùng có nhiệt độ trung bình từ 21 đến 32 °C, thậm chí chịu nổi độ nóng tới 50 °C nhưng không thích giá rét. Trong thiên nhiên, neem chỉ sống thành quần thể với các loài cây khác như me, keo, hồng sắc Ấn Độ (Dahlbergia sissoo) v.v.

Các hoạt chất chống sâu bọ có trong neem/xoan Ấn Độ

Mọi thành phần của xoan Ấn Độ, nhất là lá và đặc biệt hạt của nó đều có hoạt chất sinh học. Ngoài hoạt chất chính là azadiachtin còn có salannin, meliatropin và neembim, neembinin. Mỗi hoạt chất ấy có tác dụng cá biệt đối với sâu bọ. 
- Dịch chiết xuất từ nhân hạt neem chứa khoảng 40 chất. Các chất này tăng cường tác dụng lẫn nhau, tạo thành một hỗn hợp cực mạnh.
- Dung dịch neem với nồng độ 0,1 ppm (= 0,000 01 %) đã có thể làm nhiều loài sâu bọ ngán ăn. Ngoài ra, neem còn làm rối loạn hệ thống hormone của sâu ăn phải nó.
Chất quan trọng nhất có lẽ là azadiachtin với cấu trúc giống như hormone lột da ecdysone của côn trùng. Do đó, khi lọt vào cơ thể của chúng, azadiachtin “cạnh tranh” với ecdysone, làm giảm hoặc ngưng hẳn sự hình thành chất này, khiến ấu trùng không thể lột da để phát triển bình thường được. Nếu không giết chết ấu trùng và nhộng, ít nhất azadiachtin cũng làm chậm quá trình phát triển của chúng, gây biến dạng cũng như làm suy giảm khả năng sinh sản của con trưởng thành.
- Các chất chiết xuất từ xoan Ấn Độ có tác dụng với trên 400 loại côn trùng, mạt, nhậy và tuyến trùng (giun tròn).

Đâu là sự khác biệt của thuốc trừ sâu hoá học và thuốc bảo vệ thực vật chiết từ thảo mộc? 

  • Thông thường, thuốc trừ sâu hoá học chỉ chứa một hay hai hoạt chất nên sau một thời gian sử dụng, côn trùng dễ lờn thuốc hay có sức đề kháng nhờ biến đổi gen. 
  • Trái lại, thuốc có nguồn gốc thảo mộc như ruốc cá, xoan, neem có tác dụng gần như “bất khả kháng” vì chúng bao gồm nhiều chất tác động đa dạng đến côn trùng. 
  • Hơn nữa, thuốc trừ sâu hoá học thường tồn tại lâu dài nên càng ngày chúng càng tích tụ nhiều hơn trong cây trồng, đất, nước, gây hại cho con người và môi trường. Trong khi đó, thuốc bảo vệ thực vật chiết từ nhân hạt neem chẳng hạn rất dễ phân hủy trong điều kiện tự nhiên nên ít có tác động tiêu cực. 
  • Dịch chiết nhân hạt neem không có hại cho trùn đất và các loài thiên địch của sâu bệnh. Nó không khiến sâu bệnh lăn đùng ra chết hàng loạt mà chủ yếu chỉ gây ngán ăn và biến dạng sau vài tuần. 
  • Người quen sử dụng thuốc trừ sâu hoá học có thể cho là dịch chiết nhân hạt neem không hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề chính trong việc sử dụng dịch chiết từ thảo mộc nói chung nằm ở chỗ các hoạt chất dễ phân hũy, hàm lượng hoạt chất hay biến đổi nên khó dùng đúng liều lượng; công việc chế biến, vận chuyển, bảo quản cũng tương đối phức tạp. (Theo thông báo riêng của chuyên gia về neem TS. Klaus Ermel, một nhà nông Thái Lan đã bảo quản dịch chiết nhân hạt neem trong kho lạnh và có thể sử dụng tới một năm.)
  • Đơn giản hơn, nếu sản xuất các dung dịch chứa hoạt chất ở một nồng độ nhất định, chẳng hạn như dung dịch 0,3 % azadiachtin. Ở nước ta, các nhóm khoa học gia do GS Trần Kim Qui và TS Nguyễn Tiến Thắng hướng dẫn đã trích ly và nghiên cứu nhiều hoạt chất từ xoan Ấn Độ nhằm điều chế thuốc bảo vệ thực vật. Công ty thuốc sát trùng Miền Nam sản xuất VINEEM 1500EC chứa chất azadiachtin “có hiệu lực phòng trừ nhiều lọai sâu hại trên cây trồng như lúa, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn trái, hoa kiểng”[vi]

Đến nay, trên thế giới chỉ có một vài kết quả nghiên cứu cho thấy dung dịch neem với nồng độ cao có tác động xấu đến những đàn ong nhỏ khi phun nhiều lần trên cây đang ra hoa.
Có thể neem cũng gây hại cho tôm cua là những loài lột vỏ khi phát triển, tương tự như côn trùng; điều này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Khí hậu càng nóng ổn định thì hạt neem càng chứa nhiều hoạt chất. Vì vậy, nhiều vùng đất thuộc các tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận là những nơi lý tưởng để trồng neem, nếu chủ động được nước tưới và phân bón trong ba năm đầu.

Trong bối cảnh an toàn thực phẩm của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi dư lượng hóa chất từ phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, việc sử dụng phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc như neem là một biện pháp thiết yếu. Đó là chưa kể đến những lợi ích to lớn khác như bảo tồn nguồn đất, nước và giảm lượng nhập khẩu hóa chất nông nghiệp. Hơn nữa, Việt Nam sẽ là một thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên hàng nông sản nước ta chỉ có thể cạnh tranh và vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước thành viên khác, tùy thuộc phần lớn vào độ an toàn của nông sản xuất khẩu.[vii]

Các lợi ích khác của neem/xoan Ấn Độ

Neem là loài cây đa dụng. Ngoài khả năng trừ sâu bọ như đã nói trên, nó còn có rất nhiều công dụng trong phạm vi y học (thí dụ như chữa bệnh loét dạ dày), vệ sinh cá nhân (trị chí rận, bệnh nấm ngoài da), vệ sinh công cộng (chống ruồi muỗi).

Gỗ neem dùng làm bàn ghế đồ đạc rất tốt vì có những hoạt chất trừ mối, mọt. Theo bà Aubaile-Sallenave, gỗ neem còn được sử dụng làm lan can cầu, cột buồm và vật dụng bài trí trong tàu thuyền Việt Nam. Càng ngày càng có nhiều sản phẩm làm ra từ cây neem và hiện trên thế giới đã có nhiều công ty  kinh doanh buôn bán các sản phẩm ấy.

Sau khi chiết xuất hoạt chất hoặc ép nhân hạt neem lấy dầu, phần bã còn lại trộn với xơ dừa có thể dùng để cải tạo đất khô cằn. Lá neem cũng thế. Do có tính base, lá neem còn làm trung hoà được đất chua.

Nếu trồng cây để lấy củi chụm, neem là nhiên liệu tái tạo theo chu kỳ từ năm tới bảy năm. Sau mỗi chu kỳ, có thể thu hoạch từ 120 tới 170 mét khối củi trên mỗi héc-ta (như ở Ghana và Nigeria). Vốn chịu hạn giỏi, neem là loài cây lý tưởng trong chương trình chống sa mạc hoá. Rừng neem trồng xen với những giống cây bản địa sẽ là nơi sinh sống của nhiều loài chim muông, đồng thời là “bức thành” tự nhiên ngăn cản gió mạnh và lũ quét thường xảy ra ở miền Trung trong mùa mưa bão.

Tài liệu tham khảo 

  1. detran, “Cây sầu đâu góc vườn…”,  Personal Website of Tran Quang De, 27/11/2013.
  2. Foerster P, Moser G, “Status report on global Neem usage”, second revised edition, Eschborn 2000.
  3. Goktepe, I., Portier, R. and Ahmedna, M.: Ecological risk assessment of neem-based pesticides. Journal of Environmental Science and Health Part B-Pesticides Food Contaminants and Agricultural Was 2004, 39(2), p. 311-320.
  4. Koul O, Wahab S, “Neem: Today and in the New Millenium”, Kluwer Academic Publishers 2004.
  5. National Research Council: Neem: A Tree for Solving Global Problems. Washington, D.C., 1992.
  6. Nguyễn Tiến Thắng, Vũ Văn Độ, Lê Thị Thanh Phượng và Bùi Văn Toàn: Biến động hàm lượng azadirachtin và neembin trong lá neem (azadirachta indica A. Juss) và hiệu quả xua đuổi, gây chết và biến dạng của dịch chiết nhân hạt neem đối với rầy nâu (Nilaparvata lugens Stal.). Hội nghị tổng kết NCCB trong KHTN khu vực phía Nam năm 2005. Khoa học sự sống, trang 48-50.
  7. Schmutterer, Heinrich (ed.): The Neem Tree and Other Meliaceous Plants. Sources of Unique Natural Products for Integrated Pest Management, Medicine. Industry and Other Purposes.  Weinheim, Germany, 1995.
  8. Singh KK, Phogat S, Toma A, Dhillon RS, “Neem A Treatise”, I. K. International Publishing House, New Dehli 2008.
  9. Trần Kim Qui (chủ nhiệm đề tài): Nghiên cứu ly trích hoạt chất limonoid từ cây neem Azadirachta indica để điều chế thuốc ngăn ăn và xua đuổi sâu mọt phá hại cây trồng và kho lương thực. [Đề tài nghiên cứu đã được Trung Tâm Thông Tin Khoa Học & Công Nghệ tiến hành thẩm định thông tin các tư liệu liên quan ngày 29-03-2004.]
  10. Vũ Văn Độ, Nguyễn Tiến Thắng, Ngô Kế Sương, “Khảo sát hàm lượng của ba hoạt chất sinh họoạt chính trong dầu hạt neem (Azadirachta indica A. Juss)”, Tạp chí Sinh học, tập 27(3), 2005, trang 61-65.

Chú thích

  • [i] Tương tự nhiều nơi ở miền quê Việt Nam, dân làng dùng lá xoan ta để bảo quản lúa.
  • [ii] Xem: Genesis of World Neem Conference, Neem Foundation.
  • [iii] Xem National Research Council.
  • [iv] Phạm Hoàng Hộ: Cây cỏ Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh, 1999-2000. http://www.mediafire.com/folder/grpmu9awg5toc/C%C3%A2y_c%E1%BB%8F_VN_-_Ph%E1%BA%A1m_Ho%C3%A0ng_H%E1%BB%99
  • [v] Aubaile-Sallenave F, “Bois et Bateaux du Viêtnam”, SELAF, 1987, trang 143.
  • [vi] Xem Nhóm chế phẩm sinh học ứng dụng cho phòng trừ sâu bệnh.
  • [vii] Vân Trường, “Sức nóng TPP áp sát nông dân”, Tuổi Trẻ online 02/11/2015.

Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Responsive Ads Here

Pages